Naropa (1016 - 1100)
Đại Thành Tựu Giả Naropa sinh ra trong một gia đình quý tộc ở xứ Bengal, Ấn Độ. Lòng khao khát tìm cầu khai mở tâm linh của Ngài mạnh mẽ đến mức ngay từ khi mới lên tám, Ngài đã lên đường đi Kashmir để học đạo và thụ tam quy ngũ giới với đạo sư Arya Akasha.
Khi Naropa trở về sau các chuyến tham học Phật Pháp, cha mẹ ép buộc Ngài phải cưới công chúa Bà la môn. Tuy nhiên, cuộc sống gia đình chỉ kéo dài trong tám năm. Naropa luôn nhất tâm chỉ tưởng tu hành Phật Pháp do đó đã bày tỏ chí hướng tâm linh của mình với công chúa và nàng đồng ý không cản trở con đường tu hành của Ngài.
Naropa thụ giới sa di tại Lạc Viên Tự viện (Happy Garden Monastery), sau đó thụ giới Tỳ kheo tại Kashmir. Ngài an trú tại tự viện Pullahari để tiếp tục tu học, ngoài ra Ngài thụ nhận thêm các giáo pháp và tu tập tại trường Đại học Nalanda ở gần đó.
Với trí tuệ, tài hùng biện và sự hiểu biết tâm linh, Naropa được phong làm viện trưởng Đại học Nalanda danh tiếng - nơi Ngài trở thành vị Bảo Hộ Trấn Cửa Phương Bắc. Ngài thường phải tranh biện với các phái ngoại đạo và luôn giành phần chiến thắng.
Mặc dù xuất chúng về phương diện giáo lý Phật Pháp nhưng Ngài nhận thấy mình rất kém cỏi về phương diện tu tập đạo tâm. Vì vậy, một vị Dakini đã xuất hiện trước Ngài, giảng dạy về tầm quan trọng của thiền định và khuyên Ngài thỉnh giáo Đại Đạo Sư Tilopa, người có thể khai thị cho Ngài thực chứng bản tâm.
Sau bao nhiêu thử thách cuộc hành trình hướng về phương Đông, cuối cùng Naropa cũng hạnh ngộ Bản Sư Tilopa. Naropa đã phải vượt qua mười hai thử thách lớn và mười hai thử thách nhỏ để tịnh hóa ác nghiệp và những ám chướng. Nhờ sự gia trì của Tilopa và sự tịnh hóa của chính mình, Naropa thực chứng được bản tâm quang minh tịch tĩnh, thể nhập tự tính Vajradhara. Sau khi thành tựu giác ngộ huy hoàng, Naropa truyền dạy Phật Pháp cho vô số đệ tử ở rất nhiều nơi đặc biệt tại vùng Kashmir, nơi có rất nhiều ngôi tự viện do chính Ngài xây dựng. Trong lịch sử Phật Giáo, Ngài Tilopa và Naropa đều là trong số tám mươi tư Đại thành tựu giả.
Trong số những đệ tử thành tựu của Naropa, Đại dịch giả Marpa kế tục dòng truyền thừa Naropa và là Đấng hoằng truyền toàn bộ giáo pháp vào Tây Tạng.
Nguồn: Naropa - Lineage - www.drukpa.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét